Dấu chấm (.) thường được đặt ở cuối câu kể. Trong văn viết, dấu chấm dùng để báo hiệu một câu đã kết thúc.
Ví dụ: Iphone 16 là chiếc điện thoại mới nhất năm 2024 của nhà Apple.
Dấu phẩy (,) được đặt trong câu để phân cách các ý của câu ghép, ý chính và ý phụ hoặc các yếu tố liệt kê. Một câu sẽ có một, nhiều hoặc không tồn tại dấu phẩy nào.
Ví dụ: Mẹ đi chợ mua cho tôi 1 đôi dép, 2 chiếc áo và 1 chiếc kẹp tóc mới.
Chấm phẩy và phẩy là 2 dấu câu rất dễ gây nhầm lẫn. Trong tiếng Việt, dấu chấm phẩy có 3 chức năng chính: Phân chia các vế của câu ghép phức tạp, ngắt quãng câu hoặc phân chia các vế của câu liệt kê có nhiều yếu tố.
Ví dụ: Trên bầu trời, đàn chim nhịp nhàng bay về phương xa; dưới cánh đồng, đàn trâu tung tăng gặm cỏ.
Dấu chấm hỏi (?) được đặt ở cuối câu nghi vấn. Dấu chấm hỏi vừa có tác dụng kết thúc câu vừa nhấn mạnh vào nội dung cần hỏi.
Ví dụ: Hôm nay em đã học bài chưa?
Cuối câu cảm thán hoặc cầu khiến thường đặt dấu chấm than (!). Đây là dấu câu dùng để thể hiện các sắc thái biểu cảm của con người như vui mừng, hờn giận, giận dữ, van xin,…
Ví dụ: Hôm nay là một ngày thật tuyệt vời!
Dấu ba chấm hay dấu chấm lửng (…) được dùng để biểu thị lời nói bị ngắt quãng do một lý do xúc động Ngoài ra, dấu chấm lửng còn đặt cuối câu liệt kê khi người viết không thể nói hết các mệnh đề.
Ví dụ: Cửa hàng bán rất nhiều loại trái cây như: cam, mận, ổi, quýt, táo,…
Dấu hai chấm thường đặt trước ý liệt kê hoặc câu trích dẫn trực tiếp. Phía sau dấu hai chấm thường là dấu ngoặc kép (“”) hoặc gạch đầu dòng ở hàng tiếp theo.
Ví dụ: Kết thúc buổi học, cô giáo nói: “Các em nhớ về nhà ôn lại bài cũ để chuẩn bị kiểm tra nhé!”.
>>> Tìm hiểu thêm: Câu đảo ngữ trong tiếng Việt - Định nghĩa, đặc điểm, ví dụ
Dấu gạch ngang dùng để đặt trước câu hội thoại hoặc liệt kê. Ngoài ra, dấu gạch ngang còn có khả năng phân cách phần chú thích và các thành phần khác trong câu.
Ví dụ: Hoa hồng – loài hoa tượng trưng cho tình yêu được các bạn trẻ lựa chọn để tỏ tình người mình thích.
Dấu gạch chéo (/) thường được dùng để phân chia giữa các dòng thơ hoặc ngăn cách những lựa chọn, mệnh đề.
Ví dụ: 10km/h, Nam/Nữ, ngày 26/10/2024, “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp / Con thuyền xuôi mái nước song song”,…
Dấu ngoặc đơn () thường bao bên ngoài phần giải thích, chú thích thêm cho nội dung đã viết trước đó. Ngoài ra, người ta còn dùng dấu ngoặc đơn để đặt nguồn gốc trích dẫn, ngày tháng năm,…
Ví dụ: Tố Hữu (1920 – 2002) là nhà thơ kiêm nhà chính trị gia nổi tiếng ở Việt Nam.
Trong tiếng Việt, dấu ngoặc kép dùng để mở đầu cho câu trích dẫn trực tiếp. Ngoài ra, dấu ngoặc kép còn đánh dấu tên tác phẩm, sách báo hoặc đặt bên ngoài một từ có ý nghĩa đặc biệt.
Ví dụ: Mẹ luôn răn dạy tôi phải “lá lành đùm lá rách”.
Dấu câu đóng vai trò rất quan trọng trong văn viết tương tự như ngôi trong tiếng Việt vậy. Nhờ có dấu câu mà câu văn được viết lên một cách mạch lạc, dễ hiểu hơn cũng như thể hiện giọng điệu và sắc thái cảm xúc của tác giả.
Sử dụng các dấu câu trong tiếng Việt phù hợp cũng tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn người đọc. Nếu một đoạn văn không có dấu, người đọc khó có thể hiểu đúng thông tin được truyền tải.
>>> Tìm hiểu thêm: Hướng dẫn cách đặt câu hỏi trong tiếng Việt chính xác nhất
Qua bài viết này, bạn đã nắm được vai trò và cách sử dụng các dấu câu trong tiếng Việt. Hãy luyện tập thường xuyên để khả năng viết lách của bạn ngày càng mạch lạc và chuyên nghiệp hơn.
Bình Luận