logo mobile website Inminhkhoi.com

Tóm tắt truyện Trọng nghĩa khinh tài ngắn gọn, dễ hiểu

Trọng Nhân - 15 Tháng 4, 2025

Truyện cổ tích Trọng nghĩa khinh tài là một trong những tác phẩm dân gian Việt Nam giàu tính nhân văn, phản ánh đức tính cao đẹp của con người. Qua câu chuyện, người đọc thấm thía bài học sâu sắc về nghĩa tình, lòng trung hiếu và sự hy sinh vì người khác.

Ngày xưa ở Thanh Hóa, có một phú hộ tên là Nguyễn Đình Phương, giàu có và hào hiệp, sẵn lòng giúp đỡ người khó khăn. Ông có một người bạn tri kỷ tên Trần Bính Cung, từng học chung thuở nhỏ. 

Sau một loạt biến cố trong buôn bán và bệnh tật, Bính Cung lâm vào cảnh khánh kiệt, nợ nần chồng chất. Trong cơn túng quẫn, vợ chồng ông nhiều lần nhờ cậy Đình Phương, và đều được ông giúp đỡ không chút do dự.

Trước lúc lâm chung, Bính Cung giao khế nhà cho bạn mình để gán nợ, đồng thời tha thiết gửi gắm mẹ già, vợ dại và đàn con thơ. Đình Phương nhận lời, lo ma chay chu đáo, tiếp tục giúp đỡ gia đình bạn. Nhưng theo thời gian, sự trợ giúp dần giảm sút, rồi trở nên lạnh nhạt. Khi vợ Bính Cung tìm đến hỏi, ông còn buông lời chối từ, dọa bán nhà họ để lấy nợ.

Gia đình Bính Cung đau lòng, thất vọng. May thay, một ông lão hàng xóm nghe chuyện, cảm thương, bèn dạy nghề dệt sồi cho họ, còn bỏ tiền mua khung cửi và tơ sợi. Nhờ chăm chỉ học nghề và được chỉ dạy tận tình, mẹ con Bính Cung dần tự lập, kiếm sống, chuộc lại nhà, vượt qua nghịch cảnh. Họ coi ông lão như ân nhân thực sự, còn Nguyễn Đình Phương thì bị lãng quên, xem là người bạc nghĩa.

Tóm tắt truyện Trọng nghĩa khinh tài ngắn gọn, dễ hiểu
Tóm tắt truyện Trọng nghĩa khinh tài ngắn gọn, dễ hiểu

Bảy tám năm sau, khi gia đình tổ chức lễ cưới cho con gái, bất ngờ Nguyễn Đình Phương xuất hiện. Vợ Bính Cung lạnh lùng tiếp đón, mỉa mai ông vì sự bội bạc năm xưa. Nhưng đúng lúc ấy, ông lão hàng xóm bước ra và tiết lộ sự thật: mọi vốn liếng, công cụ, cả sự giúp đỡ bền bỉ suốt những năm qua đều là từ Nguyễn Đình Phương, chỉ nhờ ông làm trung gian để không bị từ chối.

Nghe vậy, vợ con Bính Cung sững sờ, xúc động và ăn năn. Họ sụp lạy cảm tạ ân nhân thực sự của mình. Nhưng Nguyễn Đình Phương khiêm tốn xua tay, chỉ nhắc lại lời hứa với người bạn quá cố: “Không có gì quý bằng chữ Nghĩa”, rồi rút lui trong lặng lẽ.

→ Truyện ca ngợi đạo lý làm người: “trọng nghĩa khinh tài”, đề cao tình bạn thủy chung, giúp đỡ âm thầm không cầu báo đáp. Đồng thời, truyện phê phán sự vội vàng xét đoán người khác qua bề ngoài, nhắc nhở ta phải sống có nghĩa, có tình, có trước có sau.

Truyện Trọng nghĩa khinh tài không chỉ mang đến một câu chuyện cảm động mà còn để lại bài học quý báu: hãy sống có tình có nghĩa, đề cao giá trị đạo đức hơn vật chất. Đây chính là thông điệp sâu sắc mà dân gian muốn gửi gắm đến thế hệ sau.

Xem thêm:

Bình Luận