Tóm tắt truyền thuyết các đời Vua Hùng ngắn và dễ hiểu

13:24 21/04/2025 Truyện Trọng Nhân

Truyền thuyết về Vua Hùng không chỉ là những câu chuyện cổ tích mang màu sắc huyền thoại mà còn là di sản tinh thần thiêng liêng gắn với cội nguồn dân tộc Việt. Những bản tóm tắt dưới đây sẽ đưa bạn quay về thời dựng nước, nơi huyền thoại bắt đầu.

Truyền thuyết “Vua Hùng trồng kê ra lúa” kể rằng, trong một lần các công chúa con vua Hùng theo dân đi đánh cá ven sông, có một nàng công chúa được một con chim thả xuống mái tóc một bông kê. Công chúa đem về dâng vua. Vua Hùng xem đây là điềm lành, nghĩ rằng nếu chim ăn được thì người cũng có thể ăn, nên sai các công chúa và dân chúng đi nhặt kê về làm giống. Mùa xuân năm sau, vua dẫn dân ra đồng, đích thân dùng que nhọn chọc đất tra hạt kê và lúa, rồi cắm cành tre để chim không tới ăn. Dân chúng và các Mỵ nương làm theo. Từ đó người dân biết đến hạt kê như một loại cây lương thực quan trọng.

Truyền thuyết “Vua Hùng dạy dân cấy lúa” kể rằng, thuở xưa người dân chưa biết đến việc cày cấy, chỉ sống nhờ săn bắt và hái lượm, ăn rau rừng, quả dại, củ rễ và lúa mọc hoang. Thấy vùng đất ven sông màu mỡ, vua Hùng bày cách cho dân đắp bờ giữ nước, hướng dẫn lấy lúa hoang tách hạt gieo mạ. Khi mạ lớn, vua đích thân xuống ruộng cấy lúa làm mẫu cho dân xem. Từ đó, người dân biết trồng lúa nước, đặt nền móng cho nền nông nghiệp lúa nước của người Việt cổ.

Tóm tắt truyền thuyết các đời Vua Hùng ngắn và dễ hiểu

Truyền thuyết “Sự tích hát Xoan” bắt nguồn từ việc vợ vua Hùng mang thai đã lâu mà không sinh nở được. Có người hầu mách rằng trong làng có cô gái tên Quế Hoa, hát hay múa giỏi, có thể giúp vương phi sinh nở dễ dàng. Quế Hoa được triệu đến, vừa múa vừa hát, khiến vợ vua vui vẻ, quên đau và sinh được ba người con trai khôi ngô. Vua Hùng vui mừng, ban thưởng và truyền dạy lại điệu hát múa này cho các Mỵ nương. Vì sự việc diễn ra vào mùa xuân nên điệu múa hát được gọi là hát Xuân, về sau gọi là hát Xoan, trở thành một nét văn hóa đặc sắc của người Phú Thọ.

Truyền thuyết “Bách nghệ khôi hài” kể rằng, sau khi kết hôn với Sơn Tinh, công chúa Ngọc Hoa về núi Tản ở cùng chồng. Ba năm sau, nàng về quê thăm vua cha mẹ mẹ nhưng không chịu quay lại. Tản Viên phải về đón nhưng Ngọc Hoa không đi. Thấy vậy, Tản Viên nhờ dân làng Trẹo giúp. Dân làng liền tổ chức các trò vui: người giả làm dân đánh cá, thợ săn, nông dân, múa hát, kể chuyện cười, nói đùa duyên dáng. Công chúa vui vẻ cười theo, đồng ý trở về với chồng. Từ đó, trò diễn đầu xuân được gọi là “Bách nghệ khôi hài”, tượng trưng cho nếp sống lao động, sinh hoạt văn hóa phong phú của người Việt cổ.

Các truyền thuyết trên không chỉ ca ngợi công lao to lớn của các Vua Hùng trong việc xây dựng và phát triển đất nước, mà còn là minh chứng cho sự hình thành và gìn giữ những nét văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đây là một phần không thể thiếu trong kho tàng truyền thuyết về thời đại Hùng Vương – thuở khai sinh văn minh Lạc Việt.

Những truyền thuyết về Vua Hùng đã góp phần nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc qua bao thế hệ. Hy vọng các bản tóm tắt trên sẽ giúp bạn thêm yêu mến và trân trọng kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam.

Truyện tiếp theo:

Tóm tắt truyện cổ tích Việt Nam - Sự tích động Từ Thức

Tóm tắt truyện cổ tích Việt Nam – Thạch Sanh chi tiết

Address: CÔNG TY TNHH VẠN THỊNH PHÁT PQ

Phone: 0989873245

E-Mail: contact@inminhkhoi.com