Tóm tắt truyền thuyết Nàng Tô Thị ngắn gọn, dễ hiểu

13:53 17/04/2025 Truyện Trọng Nhân

Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, truyền thuyết Nàng Tô Thị luôn để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc. Câu chuyện không chỉ gợi lên sự cảm động về đức tính thủy chung, son sắt của người phụ nữ Việt mà còn gắn liền với địa danh nổi tiếng Lạng Sơn.

Ngày xưa, ở vùng Kinh Bắc, có một góa phụ nghèo ngày ngày mò cua bắt ốc nuôi hai con nhỏ: Tô Văn – khoảng 10 tuổi, và Tô Thị – chừng 8 tuổi. Trong lúc mẹ đi làm, hai anh em thường chơi đùa không ai kiểm soát. Một hôm, Tô Văn nghịch dại ném đá, chẳng may ném trúng đầu em gái khiến Tô Thị ngã xuống, máu chảy đầy đất. Nghĩ rằng em đã chết, Tô Văn hoảng sợ bỏ chạy biệt tích.

Rất may, một người hàng xóm đã kịp thời cứu Tô Thị và cầm máu. Khi mẹ trở về thì Tô Thị đã hồi tỉnh. Tuy nhiên, không ai có tin tức gì về Tô Văn. Người mẹ vì quá đau buồn và thương nhớ con trai nên phát bệnh rồi qua đời, bỏ lại Tô Thị mồ côi.

Hai vợ chồng hàng xóm tốt bụng thương tình, nhận nuôi Tô Thị và sau đó chuyển lên xứ Lạng để sinh sống, mang theo cô bé.

Lớn lên, Tô Thị trở thành cô gái xinh đẹp, đoan trang và giỏi buôn bán. Học nghề làm nem từ cha mẹ nuôi, nàng mở một quán bán nem tại chợ Kỳ Lừa, nổi tiếng vì vừa ngon vừa sạch. Người ta đến thưởng thức món ăn, nhưng cũng vì mê vẻ đẹp dịu dàng, đức hạnh của chủ quán.

Một ngày nọ, chàng trai bán thuốc bắc tên Lý Văn từ Cao Bằng xuống Lạng Sơn bán hàng, vô tình ghé quán Tô Thị ăn nem. Sau nhiều lần ghé quán, hai người cảm mến, rồi yêu nhau và kết hôn. Họ sống hạnh phúc, có một bé gái xinh xắn.

Tóm tắt truyền thuyết Nàng Tô Thị ngắn gọn, dễ hiểu

Trong một lần, chàng Văn ngồi bế con ngắm vợ gội đầu, tình cờ thấy trên đầu nàng có một vết sẹo lớn. Khi được hỏi, Tô Thị kể lại quá khứ đau buồn, rằng năm xưa bị anh trai ném đá vào đầu suýt chết, mẹ mất, mình được người lạ nuôi lớn trên đất Lạng Sơn.

Lý Văn chết lặng, vì biết rằng vợ mình chính là em gái ruột – Tô Thị, còn bản thân mình chính là Tô Văn, người anh năm xưa lỡ tay gây tội. Quá bàng hoàng và đau khổ vì mối tình oan nghiệt, anh không nỡ nói ra sự thật để tránh gây tổn thương cho em. Lý Văn quyết định im lặng, đăng lính đi thú biên ải mà không nói rõ lý do.

Trước khi đi, anh chỉ nói vợ:
– Anh đã đi lính, chuyến này ba năm, có thể sáu năm hoặc lâu hơn. Em cứ ở nhà chăm con và lo liệu cuộc sống.

Tô Thị chết lặng, không hiểu vì sao chồng đột ngột rời bỏ khi đang hạnh phúc. Từ đó, nàng không còn buôn bán nữa, ngày ngày bế con lên chùa Tam Thanh khấn cầu, mong chồng bình an, sớm trở về.

Nhiều năm trôi qua, chồng vẫn bặt vô âm tín. Trong khi ấy, nhiều người đến cầu hôn, nàng đều từ chối. Một ngày, một kỳ hào độc ác trong vùng ép nàng làm vợ kế, nàng tìm cách khất lần với hy vọng chồng sẽ trở lại trước hạn định.

Đến ngày hẹn, không thấy chồng đâu, Tô Thị bế con lên núi sau chùa Tam Thanh, đứng trên mỏm đá cao nhìn về phương xa trông chồng. Trời nổi giông bão, mưa to gió lớn, nhưng nàng vẫn ôm con đứng đợi trong mưa.

Sáng hôm sau, trời quang mây tạnh, người dân phát hiện nàng Tô Thị đã hóa đá, vẫn trong tư thế bế con chờ chồng. Hòn đá đó từ đó được gọi là “Vọng phu” – người vợ trông chồng, và câu chuyện của nàng trở thành huyền thoại lưu truyền đời đời.

Gắn liền với địa danh có thật – núi Vọng Phu ở Lạng Sơn, tạo nên một huyền thoại dân gian nổi tiếng, được ghi nhớ qua câu ca dao:

“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.”

Truyền thuyết Nàng Tô Thị không chỉ là một câu chuyện dân gian đơn thuần, mà còn là biểu tượng cho tình nghĩa vợ chồng và lòng thủy chung son sắt. Hình ảnh đá vọng phu mãi mãi nhắc nhở thế hệ sau về giá trị thiêng liêng của tình yêu và sự chờ đợi.

Khám phá thêm:

Tóm tắt truyện cổ tích Việt Nam - Trí khôn của ta đây

Tóm tắt ngắn gọn truyện cổ tích Việt Nam - Con Rùa Vàng

Address: CÔNG TY TNHH VẠN THỊNH PHÁT PQ

Phone: 0989873245

E-Mail: contact@inminhkhoi.com